Mỗi ngày trôi qua đều có hàng loạt các dự án được tạo ra. Nhưng khác với thời điểm trước đây, các dự án đã và đang dần cải thiện tokenomic cũng như nền kinh tế trong hệ sinh thái để gia tăng tính năng cũng như là sức mạnh quản trị cho token của họ. Đa phần đều chọn mô hình có tác dụng nhất hiện nay là tokenomic kết hợp với veToken.
Vậy veToken là gì? Hãy cùng Holdstation tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Kí quỹ bỏ phiếu (Vote Escrow) – veToken V1
Token quản trị của các nền tảng thường được sử dụng để trả thưởng cho người dùng cung cấp thanh khoản. Xu hướng của đa số người dùng là bán ngay lập tức phần thưởng để có thể hòa vốn nhanh nhất. Điều này dẫn đến áp lực bán mạnh mặc dù token đó sở hữu đầy đủ các tính năng như Staking/Voting. Đây chính là một bài toán đau đầu đối với các dự án có mong muốn cân bằng lượng cung và cầu của token quản trị.
Vote Escrow Token hay ngắn gọn là veToken, là dạng Token được kết hợp bởi việc “Stake” và “Bỏ Phiếu” dưới dạng khóa trong một thời gian xác định. Nhằm khuyến khích người dùng nắm giữ token trong thời gian lâu hơn để nhận về các quyền lợi và giảm áp lực bán. Vote Escrow được xem như là một dạng biên lai tiền gửi và không thể giao dịch, di chuyển hay thế chấp.
veToken trở nên thông dụng bởi dự án Curve Finance với $CRV và $veCRV. Bằng cách khóa $CRV bạn sẽ nhận lại $veCRV tỉ lệ thuận với thời gian khóa. Tuy nhiên, lượng $veCRV sẽ giảm đi dần dần cho đến khi hết thời gian khóa. Điều này nghĩa là lượng $veCRV của bạn sẽ dần được "burn" đi cho đến khi hết thời hạn khóa $CRV thì lượng $veCRV trong ví sẽ về 0. Mục đích của việc này nhằm làm giảm quyền quản trị tuyệt đối, nếu muốn dành sức mạnh bỏ phiếu lớn hơn bắt buộc người dùng phải khóa thêm $CRV - Giảm nguồn cung để cân bằng với việc lạm phát Token.
- Khóa 1 $CRV trong 1 năm nhận lại 0.25 $veCRV
- Khóa 1 $CRV trong 2 năm nhận lại 0.5 $veCRV
- Khóa 1 $CRV trong 3 năm nhận lại 0.75 $veCRV
- Khóa 1 $CRV trong 4 năm nhận lại 1 $veCRV
Holders $veCRV sẽ có các quyền lợi như:
- Quyền biểu quyết trong quản trị nền tảng
- Tăng phần thưởng lên đến 2.5x từ việc cung cấp thanh khoản (một số nền tảng khác còn giảm phí giao dịch)
- Nhận thưởng từ phí giao dịch (hoặc doanh thu) từ nền tảng
Vì những lợi ích hấp dẫn từ $veCRV nên rất nhiều $CRV được khóa trong thời gian tối đa (4 năm). Theo như dữ liệu từ Dune.com, hiện tại $veCRV chiếm tới 48% và ATH là khoảng 53.7% cung lưu hành.
Để nhận được 1 $veCRV bắt buộc người dùng phải khóa $CRV đến 4 năm - một khoảng thời gian khá dài nhưng quyền biểu quyết thì ngày càng giảm đi. Điều này dẫn đến nhiều người có mong muốn “khóa vĩnh viễn” lượng token mình đang nắm giữ. Khóa vĩnh viễn sẽ liên tục gia tăng thời lượng tối đa và họ không mong đợi về việc rút lượng tài sản đó bởi vì những lợi ích việc khóa mang lại sẽ tốt hơn dành cho người dùng đó mong muốn.
Điều này vô tình tạo ra Curve Wars, một cuộc tranh giành giữa các Protocol và Stablecoin Builders với mục đích:
- Protocol: Tạo độ sâu thanh khoản tốt cùng với phần thưởng cho người cung cấp thanh khoản hấp dẫn nhất có thể. Từ đó có thể kiếm lợi nhuận nhiều hơn.
- Stablecoin Builders: Gia tăng vốn hóa của Stablecoin của mình nhằm chiếm thêm thị phần trong thị trường.
$veCRV chính là chìa khóa để tạo ra những giá trị đó, dưới đây là bảng tổng quan về những lợi ích của việc đồng thời cung cấp thanh khoản và nắm giữ $veCRV.
Chú thích:
- Liq: Liquidity Providers - Người cũng cấp thanh khoản trên Curve Finance
- Gauge: Tham gia biểu quyết gia tăng phần thưởng và độ lạm phát
Một số dự án điển hình sử dụng cơ chế veToken V1 hiện nay:
- Curve Finance - $CRV – Multichain
- Balancer - $BAL – Multichain
- Wombat Finance - $WOM – BNBChain
- Trader Joe - $JOE – Avalanche
- Platypus Finance - $PTP – Avalanche
Nhưng nếu bạn không muốn khóa số lượng lớn $CRV mà vẫn muốn nhận phần thưởng tăng cường (Boost Farming Rewards) thì có cách nào không?
Money Lego
Money Lego là tên gọi chung cho tất cả những dự án được xây dựng trên $veCRV của Curve Finance. Các dự án này thu gom $veCRV từ người dùng bằng cách “wrap” lại $veCRV như $cvxCRV của Convex Finance, $sdCRV của StakeDAO, $yveCRV của Yearn Finance,… Người dùng có thể Swap hoặc Convert các "wrap" $veCRV từ $CRV ở thị trường thứ cấp hoặc chuyển đổi trực tiếp trên nền tảng phát hành.
Bằng cách này, các dự án sẽ tập hợp được lượng lớn $veCRV và mang đi Boost APR những Yield Farming trên Curve Finance thông qua các cuộc biểu quyết từ người dùng và mang phần thưởng đó về nền tảng của mình kèm với Incentive Reward từ việc lạm phát token quản trị nền tảng đó. Bên cạnh đó "wrap" $veCRV cũng hỗ trợ người dùng các vấn đề như:
- Tạo/Thoát vị thế với wrap $veCRV từ thị trường thứ cấp
- Farming với Boost APR mà không cần phải khóa $CRV
- Tạo sức mạnh tập thể khi tham gia quản trị trên Curve
Và trong cuộc chiến này, Convex Finance là người chiến thắng với gần 50% $veCRV đang lưu thông được thu thập. Từ đó có thể dành được APR hấp dẫn và quyền quản trị lớn đối với Curve Finance. Bên cạnh đó, Covex Finance cũng có (mini) DAO riêng của nền tảng với việc khóa $CVX nhận lại $vlCVX (vote-lock CVX) trong 16 tuần.
Các Money Lego này cũng đã góp phần khiến Curve Finance trở thành một trong những nền tảng có TVL lớn nhất thị trường hiện nay cùng với hệ sinh thái vô cùng phức tạp.
Bribes
Bribes có thể hiểu là “phần thưởng bỏ phiếu”. Để có một APR tốt nhằm khuyến khích thanh khoản từ người dùng, các nền tảng thay vì bỏ số tiền lớn ra mua $CRV và khóa nó, họ có thể khuyến khích những người nắm giữ $veCRV hoặc $vlCVX bỏ phiếu cho nhóm thanh khoản của họ thông qua “Bribes”. Các nền tảng cung cấp token của họ để làm phần thưởng, sau đó sẽ phân phối cho nhưng ai bỏ phiếu nền tảng của họ theo phần tram đóng góp.
Nền tảng Bribe trong hệ sinh thái Curve được biết đến nhiều nhất là Votium Protocol. Có thời điểm lượng phần thưởng bỏ phiếu đã lên đến 15M$ - 20M$ mỗi 2 tuần. Hiện tại, con số này chỉ giao động ở mức 2M$.
ve(3,3) - veNFT
ve(3,3) là Vote Escrow Token được ‘Bố già’ DeFi Andre Cronje và Deniele Sestagalli – người đứng sau các dự án về DeFi 2.0 như Abracadabra.Money ($MIM) và Wonderland ($TIME) phát triển với nền tảng Solidly Exchange.
ve(3,3) Token là sự kết hợp từ veToken của Curve Finance và Lý thuyết trò chơi (3,3) của OlympusDAO. Với (3,3), cơ chế này khuyến khích người dùng mua càng nhiều $OHM và Stake càng lâu càng tốt và sẽ nhận được nhiều phần thưởng hơn.
Solidly Exchange là một Dex được xây dựng tổng hợp từ các tính năng của các nền tảng như Curve, Convex, Olympus, UniSwap, Vote Escrow, Bribes. Tuy nhiên với lịch trình lạm phát không hợp lý cùng với các vấn đề về tính năng Voting, Solidly Exchange đã nhanh chóng sụp đổ.
Nền tảng thành công về ve(3,3) Token là Fork của Solidly mang tên Velodrome được xây dựng trên Layer 2 Optimism với token quản trị là $VELO. Cơ chế hoạt động của Velodrome tương tự cũng sử dụng $VELO làm token trả thưởng cho người cung cấp thanh khoản thông qua lạm phát đồng thời người dùng cũng có thể khóa $VELO tới tối đa 4 năm để nhận về $veVELO dưới dạng NFT và có thể giao dịch được
$veVELO được sử dụng để quản trị nền tảng giống cách $veCRV hoạt động với sức mạnh biểu quyết tỉ lệ thuận theo thời gian khóa
- 1 $VELO khóa trong 1 năm nhận về 0.25 $veVELO
- 1 $VELO khóa trong 4 năm nhận về 1 $veVELO
Các veNFT này có thể giao dịch trên các sàn giao dịch NFT như Opensea hay thỏa thuận giao dịch OTC nếu như có nhu cầu từ người dùng vì tính chất có thể chuyển nhượng/giao dịch của loại hình veToken này.
Lợi ích khi khóa $VELO nhận $veVELO như:
- Nhận thưởng từ phí giao dịch của nền tảng
- Phần thưởng đến từ Bribes
- $veVELO Rebase
Các điểm khác biệt giữa veToken V1 và ve(3,3) – veNFT
Để cho đọc giả dễ dàng hình dung, Holdstation liệt kê ra bảng so sánh dưới đây.
Một số nền tảng điển hình sử dụng cơ chế ve(3,3) – veNFT hiện nay có thể kể đến như:
- Velodrome - $VELO – Layer 2 Optimism
- HermesOmnichain - $HERMES – Layer 2 Metis
- 3xcalibur - $XCAL – Layer 2 Arbitrum
- Thena Finance - $THE – Layer 1 BNBChain
veAirdrop
Bởi vì những người dùng sở hữu veToken nghĩa là họ đã khóa một lượng tài sản của mình và gần như trung thành với nền tảng để nhận lại những lợi ích khi khóa veToken. Cho nên việc triển khai các chương trình Airdrop đến với những veLockers đã rất phổ biến trong thị trường có thể kể đến như:
- Conic Finance airdrop $CNC cho những người nắm giữ $vlCVX
- Wombex Finance airdrop $WMX cho những người nắm giữ $vlCVX
Điều này khiến cho hệ sinh thái của các veToken ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia hơn, tuy nhiên điều kiện để nhận veAirdrop là khóa tài sản cũng mang lại nhiều rủi ro. Một trong số đó việc sử dụng vốn kém hiệu quả vì đã bị khóa trong khoảng thời gian từ 1 tuần cho đến 4 năm và sự giảm giá từ phía Token quản trị đã được khóa.
Tổng kết
veToken đang là mô hình được các dự án hướng tới ngày càng nhiều trong đó bao gồm cả các dự án đang được xây dựng và các dự án cũ chỉnh sửa lại Tokenomic. Tuy nhiên, veToken vẫn có rất nhiều điểm hạn chế về hiệu quả sử dụng vốn mặc dù rất nhiều dự án xây dựng xung quanh để gia tăng tính năng nhưng đi kèm theo đó là độ rủi ro cao hơn (vì áp dụng đòn bẩy). Hi vọng qua bài viết trên Holdstation đã cung cấp những thông tin đối với đọc giả trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Holdstation Wallet - Your Gate to Web3 💜🦈
Make DeFi as easy as CeFi!
📲 Tải ngay: IOS | Android