XRP, token của Ripple đã tăng mạnh và lọt top gainer Binance chỉ trong một thời gian ngắn đang khiến cộng đồng chú ý. Với những nhà đầu tư đã ở thị trường lâu năm, thì đều không lạ gì dự án này. Tuy nhiên đa số người mới lại không hề biết Ripple làm gì, và tại sao nó lại "pump"? Cùng Holdstation tìm hiểu chi tiết dưới đây.
Tóm tắt:
- Ripple là dự án thanh toán tương tự như BTC với nhiều cải tiến.
- Ripple đặc biệt nhờ có dàn backer, đội ngũ và những đối tác khổng lồ trong ngành tài chính.
- XRP tăng trưởng mạnh nhờ kỳ vọng chiến thắng vụ kiện lâu năm với SEC.
- Đây là dự án nên chú ý trong dài hạn.
Ripple là gì?
Hiện tại Ripple đang là đồng coin có vốn hóa cao top 6 thị trường, và đã từng có lúc lọt vào top 2 chỉ sau Bitcoin. Trên thực tế, Ripple đã được xây dựng và phát triển trước cả Bitcoin từ năm 2001 với tên gọi RipplePay. Mục tiêu của dự án là cung cấp một giải pháp thanh toán kỹ thuật số toàn cầu, không vướng mắc các thủ tục rườm rà như hình thức truyền thống.
Nghe gần như là Bitcoin, tuy nhiên Ripple lại phục vụ nhiều hơn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu, ngược lại với triết lí của BTC là ủng hộ phi tập trung và phi luật pháp. Bởi vậy cộng đồng nhà đầu tư hay đa số các shark lớn ẩn danh không mấy mặn mà với Ripple. Nhưng điều gì đã giúp XRP leo lên top vốn hóa thị trường?
Điểm đặc biệt
Theo quan điểm cá nhân, mình cho rằng những lí do sau đã biến XRP thành một trong những crypto lớn nhất thị trường hiện tại:
Dàn backer “người khổng lồ”
Mặc dù gọi vốn từ năm 2013, cái thời mà tất cả mọi người còn nghĩ tiền ảo lừa đảo, Ripple đã gọi được tận $5.5 triệu – một con số rất lớn khi đó. Đặc biệt là từ toàn các công ty khổng lồ như Digital Currency Group, Standard Chartered, Google Ventures hay quỹ crypto nổi tiếng a16z. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của dự án.
Đội ngũ top đầu
Ripple được thành lập từ năm 2011 bởi Jed McCable, cựu sáng lập của Mt. Gox, sàn giao dịch BTC lớn nhất thế giới thời bấy giờ, đã từng có lúc chiếm 70% thị phần giao dịch BTC toàn cầu. Những người đi theo McCable để xây dựng Ripple Labs cũng đều là những cái tên khủng trong ngành như Arthur Britto hay Chris Larsen, CEO của E-Loan.
Công nghệ thanh toán nổi bật
XRP cho phép giao dịch cực kì nhanh chóng, không thủ tục, chỉ mất 4s để xử lý. Cộng với mức phí cũng cực rẻ chỉ khoảng $0.0002/ giao dịch. Dù so với crypto, thì đây đã là những con số rất tốt, nhưng đặc biệt với các bên truyền thống như ngân hàng thì đây là một cách mạng công nghệ về thanh toán.
Đối tác là các gã khổng lồ tài chính
Điểm mạnh nhất của Ripple là việc được chấp nhận thanh toán và hợp tác với những định chế tài chính hàng đầu thế giới. Hiện Ripple Labs có hơn 100 đối tác gồm các ngân hàng uy tín lớn như JP Morgan, Standard Chartered, Santander, Barclays, Bank of America và American Express,… ➡ Lợi thế này mình đánh giá còn vượt trội hơn cả BTC và ETH về sự chấp thuận/ vấn đề luật pháp.
Ngoài ra, một yếu tố đặc biệt là token XRP không hề có lạm phát. Toàn bộ lượng XRP đã được unlock 100% từ ban đầu, và hiện tại đang trữ một phần trong kho ESCROW của Ripple Labs.
Điều gì khiến XRP tăng mạnh gần đây?
Nhờ những lợi thế trên, giá của cũng XRP đã tăng mạnh, giúp dự án luôn thuộc top đầu vốn hóa ngành crypto cho đến năm 2020. SEC - Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã đệ đơn kiện Ripple về việc IPO gọi vốn năm 2013, cho rằng đây là chứng khoán chưa đăng ký. Đồng thời cũng soi ra việc CEO của Ripple đã giao dịch cá nhân lượng XRP với tổng giá trị khoảng 600 triệu đô. Theo quan điểm của SEC, XRP là “chứng khoán” ➡ có nghĩa phải tuân theo luật lệ và sự kiểm soát của SEC.
Điểm qua một vài cột mốc chính của vụ kiện:
- 21/12/ 2020, SEC kiện Ripple Labs và 2 CEO.
- 28/12/2020, Coinbase chính thức delist XRP.
- 3/3/2021, CEO Ripple nộp đơn kháng cáo cho rằng SEC không có căn cứ.
- 8/3/2021, SEC phản hồi lại. Và từ đó vụ kiện đã tranh chấp liên tục tới bây giờ.
Như đã phân tích ở trên, thì khác với BTC và các đồng crypto khác, XRP gắn kết rất chặt chẽ với hệ thống tài chính truyền thống. Bởi vậy, vụ kiện này sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh và sự phát triển của XRP.
Tuy nhiên, gần đây vụ kiện đang có dấu hiệu sắp kết thúc với chiến thắng thuộc về Ripple. ➡ Kỳ vọng của 2 năm dồn nén của nhà đầu tư được xả ➡ Dẫn đến nhịp pump vừa rồi.
Theo dữ liệu từ Santiment, tỉ lệ nhà đầu tư nắm giữ 100,000 – 1 triệu và 1 triệu – 10 triệu XRP cũng tăng dần từ đáy cuối năm 2020 và đang tạo đỉnh ATH tại thời gian này. Hoàn toàn ủng hộ cho giả thiết tăng giá trên.
Quan điểm cá nhân
Nhìn qua có thể thấy đây chỉ là một nhịp pump giá theo tin tức, và cộng đồng FOMO. Tuy nhiên đây sẽ là một tin tức có ảnh hưởng lâu dài đến giá trị của Ripple – cho phép XRP dễ dàng mở rộng được tệp đối tác trong tương lai. Đồng thời, XRP vẫn còn một lượng token trong kho lên đến 55% tổng cung, và cộng đồng Ripple có thể biểu quyết để đốt dần lượng token này, đây cũng là một kì vọng xa cho XRP. Ngắn hạn nhà đầu tư nên chốt lời dần XRP khi đã ra tin và BTC cũng đang ở trạng thái xấu, nhưng nên theo dõi XRP trong dài hạn.