Tổng quan thị trường NFTs
Thị trường NFT đã có sự tăng trưởng bùng nổ từ khoảng đầu năm 2022 cho đến nay với các xu hướng mới liên tục xuất hiện và thành công thu hút dòng tiền mới đổ về. Mặc dù vẫn đang chịu sức ép dư luận về các yếu tố như “không có tính năng”, “meme”, “đầu cơ”,... Nhưng bỏ qua sự chỉ trích, các hệ sinh thái về NFT vẫn đang phát triển rất tích cực đặc biệt là các nền tảng, công cụ kết hợp yếu tố nghệ thuật. Kết quả là thị trường đã đạt gần 70 tỷ USD khối lượng giao dịch với hơn 36 triệu giao dịch – những con số không hề nhỏ. (Dữ liệu thu được chỉ ở thị trường thứ cấp, dữ liệu thực tế có thể sẽ lớn hơn)
Nhưng NFTs cũng không thể thoát khỏi tình hình chung của thị trường. Những biến động tiêu cực gần đây đã ảnh hưởng xấu đến các nhà đầu tư. Thật sự, thanh khoản của NFT rất thấp nếu so với các đồng coin/token khác, việc này dẫn đến tâm lý e ngại của dòng tiền đổ về.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường từ khoảng giữa tháng 6 cho đến nay chỉ giao động ở mức 15M$ - 33M$ giảm hơn 18 lần kể từ đỉnh vào ngày 01/05.
Điều này gây ra nhiều sự bàn tán trong cộng đồng những người chơi “ảnh kĩ thuật số”. Và gần đây nhất là sự tranh cãi về việc phí bản quyền (royalty fee).
Phí bản quyền là gì?
Phí bản quyền là một phần phí trong giao dịch mua/bán của bạn dùng để trả cho nhà phát triển bộ sưu tập NFT đó để được chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Thông thường phí bản quyền của các bộ sưu tập NFT sẽ giao động trong khoảng từ 5%-10% giá trị của giao dịch.
Phí bản quyền ảnh hưởng thế nào đến một bộ NFT?
Về cơ bản phí bản quyền sẽ giúp đội ngũ tạo ra lợi nhuận theo tỉ lệ thuận với khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, từ khi phong trào free-mint nổi lên số lượng dự án tăng đột biến, kéo theo đó là tình trạng “ăn xổi” của đội ngũ “nghệ sĩ kĩ thuật số”. Họ tạo ra những dự án, vẽ ra tương lai hoành tráng nhưng sau khi ăn xong sóng tăng trưởng đầu tiên đã dứt áo ra đi hay nói thẳng là bỏ ngang. Sau đó, mang tiền cao chạy xa bay hoặc bắt đầu bánh vẽ ra dự án mới để tiếp tục vòng lặp đó.
Điều này dần dần khiến thị trường NFTs giống như là một “bãi rác” kết hợp với yếu tố thanh khoản thấp gây ra sự nguy hiểm cho người dùng cũng như mang đến những định kiến tiêu cực từ cộng đồng. Nhất là trong bối cảnh NFTs đang dần trở thành một văn hóa, một thú vui sưu tập chứ không hoàn toàn là công cụ để đầu cơ.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác ảnh hưởng đến người dùng là khi bán ra NFT của họ, bắt buộc phải tính toán thêm phần trăm phí bản quyền nếu muốn tối ưu hóa lợi nhuận. Điều này gây sự phiền phức nhỏ về trải nghiệm người dùng nhưng lại vô hình chung làm giá sàn của bộ sưu tập đó tăng thêm một chút.
Ví dụ A muốn bán một NFT với giá 1ETH nhưng phí bản quyền của bộ sưu tập đó là 5%. Để bán được số tiền mong muốn A phải tính toán và treo NFT với giá 1,06ETH để sau khi bán có thể thu về tài sản trị giá khoảng 1ETH.
Vì yếu tố tỉ lệ thuận theo khối lượng giao dịch nên sự ảnh hưởng từ phí bản quyền đến từ các bộ sưu tập NFTs nhỏ lẻ có cảm giác không quá quan trọng trong giao dịch của người dùng. Thế nhưng ở các NFTs có giá trị cao thì lại khác, một giao dịch NFT trị giá 100ETH với phí bản quyền là 5% thì sau khi mua, nhà đầu tư đã chắc chắc ôm khoảng lỗ trị giá 5ETH.
Điều này khiến các nhà đầu tư nảy sinh các hoạt động lách luật.
Đầu tiên là giao dịch P2P/OTC từ ví này sang ví khác. Mô hình này hoạt động khá hiệu quả cho đến khi các đội ngũ phát triển thêm các đoạn mã “cấm trốn thuế” vào hợp đồng của NFT khiến cho hình thức P2P/OTC này không thể sử dụng với bộ sưu tập của họ. Điều này dẫn đến việc nảy sinh ra hình thức kế tiếp.
Hình thức tiếp theo đó là Wrapped NFTs. Người dùng gửi NFTs mình sở hữu vào trong kí quỹ sau đó mint ra 1 NFT mới với phiên bản wrapped contract. Wrapped NFTs sẽ được giao dịch tự do mà không chịu bất kì sự hạn chế nào kể cả phí bản quyền và người sở hữu Wrapped NFTs sẽ có quyền lấy NFT gốc được ký quỹ trong Pool.
Về lâu dài thì việc kiểm soát các hợp đồng khiến nhà đầu tư không thực sự sở hữu NFTs của mình mà xem đó như một loại tài sản tập trung, đi ngược lại với tính chất phi tập trung cũng như ẩn danh của Blockchain.
Có bên nào triển khai việc loại bỏ phí bản quyền từ NFTs hay chưa?
Đi đầu trong việc không đánh phí bản quyền là SudoSwap với cơ chế NFT AMM mới độc đáo. Nền tảng này đón nhận lượng người dùng và khối lượng tăng trưởng đều đặn trong vòng 2 tháng qua chứng minh đã thu hút được sự quan tâm lớn từ phía cộng đồng.
Gần đây, chợ giao dịch NFTs X2Y2 cũng đang tạo các cuộc tranh luận về việc loại bỏ phí bản quyền cho các giao dịch NFTs trên nền tảng của họ. Việc này khiến nền tảng nhận về nhiều chiều hướng ý kiến khác nhau bao gồm cả các ý kiến đóng góp và phản đối gay gắt.
Có thể thấy vấn đề phí bản quyền đang là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng NFTs, xu hướng này có thể hoàn toàn làm thay đổi cuộc chơi “ảnh kỹ thuật số”. Loại bỏ những bộ sưu tập “rác” và khiến cho thị trường NFTs phát triển về cả chất lượng dự án lẫn người dùng.
Làm thế nào để tạo thu nhập cho đội ngũ nhà phát triển nếu loại bỏ phí bản quyền?
Theo nhận định chủ quan của tác giả, nếu loại bỏ phí bản quyền đội ngũ dự án có thể tạo thu nhập theo các cách:
Phát triển NFTs Tokenomic
Đội ngũ có thể dựa trên tổng cung của bộ sưu tập để phát triển tokenomic cùng với các yếu tố như whitelist sale, public sale, NFT vesting,... thay đổi việc tạo thu nhập từ phí bản quyền theo khối lượng giao dịch bằng việc nắm giữ một phần của bộ sưu tập. Từ đó, thu nhập của đội ngũ sẽ tỉ lệ thuận theo vốn hóa thị trường của dự án.
Để có vốn hóa thị trường cao sẽ khiến đội ngũ nghiêm túc với sản phẩm, từ đó loại bỏ phần lớn các dự án “rác”, “bơm thổi” không mạng lại lợi ích cho người dùng.
Trở thành NFTs Liquidity Provider
Từ việc phát triển NFT Tokenomic sẽ khiến cho đội ngũ nắm giữ một lượng NFTs. Để tối ưu hóa thu nhập, đội ngũ có thể mang lượng NFTs này đi cung cấp thanh khoản ở các sàn NFT AMM như SudoSwap hoặc UniSwap để nhận thưởng từ phí giao dịch của nền tảng đó.
Người dùng ủng hộ phí bản quyền
Ở mỗi giao dịch, người dùng có thể lựa chọn mức phí bản quyền để ủng hộ cho đội ngũ hoặc không. Điều này khiến người dùng có thể lựa chọn ủng hộ dự án, nâng cao quyền cá nhân trong khi đội ngũ vẫn có khả năng tạo ra thu nhập cho họ.
Tổng kết
Việc loại bỏ phí bản quyền vẫn còn đang được tranh luận gay gắt và chưa có chiều hướng rõ ràng từ phía cộng đồng cũng như các nền tảng. Theo góc nhìn chủ quan của tác giả kết quả của quá trình này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với các dự án được phát triển trong tương lai, tăng cường các dự án chất lượng cùng với giảm đi lượng lớn các dự án bơm thổi vô giá trị.
Tuy nhiên, phí bản quyền là “miếng bánh béo bở” của các bộ sưu tập Blue-chip với khối lượng giao dịch lớn. Nếu các chợ NFTs hiện tại xử lý việc này không khéo, theo chiều hướng tiêu cực có thể họ sẽ tách ra riêng thành một sàn giao dịch cho các sản phẩm của riêng đội ngũ. Kéo theo đó là sự tụt giảm doanh thu cho các sàn giao dịch NFTs.