Nếu như nhiều hệ sinh thái nổi bật hiện nay như Binance Smart Chain, Fantom, Avalanche, Polygon... đều chọn gia nhập đế chế EVM (Ethereum Virtual Machine), thì Solana nằm trong số ít tách biệt mình ra khỏi hệ EVM để tự xây dựng một "vương quốc" cho riêng mình. Dẫu vậy, blockchain theo hướng đi này vẫn cho thấy sức mạnh "đáng gờm" với một cộng đồng liên tục phát triển và $SOL - native token Solana - lọt vào tốp 10 theo tổng vốn hóa thị trường.
Thế nhưng, điều này cũng phần nào hạn chế khả năng tương tác của Solana với nhiều blockchain khác. Chính vì vậy, Sei Labs, một layer1 được xây dựng nhằm tối ưu cho thế giới DeFi, đang tiến hành kế hoạch tăng cường tiềm lực Solana với việc giải quyến vấn đề trên, cho phép Solana tận dụng giao thức giao tiếp liên khối (IBC - Inter-Blockchain Communication) từ Cosmos cũng như mở rộng cánh cửa hướng đến phát triển Web3.
Nitro - Giải pháp mở rộng
Ngày 15/9 vừa qua, Sei Labs thông báo đang xây dựng Nitro, một blockchain tương thích máy chủ Solana (SVM), như một cầu nối giữa Solana và Cosmos.
Nitro sẽ cho phép các nhà phát triển dễ dàng khởi chạy hợp đồng thông minh của Solana ngay trên Cosmos và truy cập ngay lập tức hệ sinh thái IBC rộng lớn - tuyến đường thương mại kết nối nhiều blockchain trong Cosmos với nhau, cũng như người dùng có thể tiếp cận các ứng dụng này thông qua ví Phantom hoặc nhiều ví Solana khác. Đây sẽ là bước đầu để biến SVM thành một tiêu chuẩn phát triển cốt lõi, giống như cách EVM đang vững bền hiện nay.
Jei-Feng, nhà đồng sáng lập Sei, chia sẻ:
"Các nhà lập trình không nên tự giới hạn bản thân với ngôn ngữ lập trình họ biết mà thay vào đó nên tập trung vào cơ sở hạ tầng tốt nhất cho ứng dụng của họ. Mọi người có biết Amazon.com được lập trình bằng ngôn ngữ nào không? Thực tế là ngôn ngữ lập trình được trừu tượng hóa trong web2.0, và điều tương tự diễn ra trong thế giới web3.0."
Mainnet Nitro dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2023 và testnet chuẩn bị sẵn sàng cho các ứng dụng Solana triển khai trước đó.
Cuối tháng 8, đơn vị đứng sau Nitro - Sei Labs - cũng đã gọi vốn thành công với số tiền $5 triệu và có sự tham gia của một số "ông lớn" trong ngành như Multicoin Capital, Coinbase, Delphi Digital,... Đây sẽ là một phần giúp đội ngũ có thể tồn tại trong giai đoạn này.
Điều này có ý nghĩa thế nào?
Đa phần các blockchain hiện nay đang được xây dựng bởi ngôn ngữ lập trình Solidity - một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất thế giới blockchain và giúp tương thích với hệ sinh thái tốp 1 Ethereum, thế nhưng Solana thì khác biệt với việc áp dụng Rust/C/C++. Khác ngôn ngữ lập trình hợp đồng thông minh thì các dAPP chạy trên EVM không thể khởi chạy trên non-EVM blockchain.
Chính vì thế, nếu một dự án từ Solana muốn phát triển mở rộng sang những blockchain khác phải lập trình lại từ đầu theo ngôn ngữ tương thích với từng blockchain đó gây bất tiện cho nhà lập trình cũng như người dùng. Từ đó, khó mở rộng hệ sinh thái để thu hút dòng tiền mới.
Hiện tại, theo dữ liệu từ DeFillama, tổng giá trị tài sản khóa trong hệ sinh thái Solana ước tính khoảng $1.3 tỷ. Nếu như được mở rộng sang Cosmos, Solana sẽ có thể khai thác thêm được hệ sinh thái với tổng giá trị tài khóa khoảng $761 triệu và hưởng lợi từ việc Cosmos đang tích cực mở rộng với nhiều kế hoạch tiềm năng như phát triển Interchain Security.
Ngoài ra, các dApp xây dựng trên Nitro vừa tận dụng được công nghệ của Solana với tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp, vừa sở hữu khả năng tương tác nhờ IBC.
Đối với người dùng, mọi người có thể trải nghiệm cả hai hệ sinh thái cùng lúc một cách dễ dàng, quen thuộc và liền mạch.
Điều này đánh dấu bước đệm đầu cho việc SVM tiến vào cạnh tranh với hệ EVM cũng như các blockchain khác.
Tổng kết
Như vậy, so với tổng tài sản khóa của riêng hệ EVM, trừ Ethereum, đang là $13.4 tỷ đô, nếu được triển khai hợp lí, SVM sẽ là một hệ tiềm năng đáng theo dõi.