NFT Storytelling hiện đang là từ khóa rất "hot" trên mạng xã hội khi được đề cập bởi những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong thị trường NFT. Điều này phản ảnh được sự hấp dẫn của mô hình này với khả năng tạo ra làn sóng mới.
Storytelling đơn giản là một cách kể những câu chuyện với nội dung độc đáo, để từ đó tạo nên các bộ truyện hay phim ảnh chứa đựng giá trị, chẳng hạn như Toy Story kể về hành trình chàng cao bồi đang dần trưởng thành chứ không đơn thuần chỉ là một món đồ chơi đến với cuộc sống khi con người không có mặt. Đằng sau mỗi cốt truyện đều mang đến một ý nghĩa và màu sắc riêng, từ đó lan truyền và tạo nên một cộng đồng cũng như đem về lợi ích kinh tế "khủng".
Nếu như trước đây, quyền lực xây dựng một câu chuyện đa phần tập trung vào một người hoặc một số ít nhà xuất bản, sẽ như thế nào nếu cả cộng đồng được chung tay tạo nên một sản phẩm và đặc biệt hơn cả là có sự tham gia của NFT? Hãy cùng Holdstation tìm hiểu thông qua bài phân tích dưới đây nhé!
Storytelling NFT là gì?
Storytelling NFT là hình thức xây dựng cộng đồng của những bộ sưu tập NFT, dự án cho phép các thành viên trong cộng đồng tham gia trực tiếp vào các khía cạnh sáng tạo của bộ sưu tập. Qua đó họ có thể tự viết nên những câu chuyện, tường thuật sự việc diễn ra đằng sau NFT trong bộ sưu tập hoặc đưa ra những ý tưởng về mẫu hình nhân vật hay cách khai thác thương mại sẽ diễn ra như thế nào. Và nếu thành công, được đón nhận bởi cộng đồng, chúng sẽ được xuất bản dưới dạng một tác phẩm.
Hình thức này đã xuất hiện từ những năm 2020 nhưng bắt đầu nổi lên từ khoảng tháng 9/2022 và hiện vẫn đang duy trì sức hút của mình, đã có hơn 100 dự án NFT ra mắt áp dụng phương pháp này.
Tiềm năng của Storytelling NFT
Văn hóa cộng đồng
Giá trị đầu tiên có thể nhắc đến mà Storytelling NFT mang lại chính là xây dựng cộng đồng bền vững. Có thể thấy rằng từ trước đến nay trong các lĩnh vực từ chính trị, tôn giáo hay văn hóa hay meme, “câu chuyện” được kể có thể coi là yếu tố tiên quyết để tạo lập cộng đồng, bắt đầu từ sự chú ý, hứng thú, niềm tin và từ đó mở rộng cũng như duy trì.
Đồng thời, Storytelling NFT trao quyền sáng tác cho cộng đồng, tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên, khi họ có thể tạo nên sự liên kết những câu chuyện của nhau để phác họa thế giới của bộ sưu tập. Ngoài ra, việc trao quyền có thể giúp giảm áp lực cho nhà phát triển khi họ không nhất thiết phải tạo ra một cốt truyện để thỏa mãn toàn bộ fanbase như những tác phẩm truyền thống. Khi nhiều tác phẩm truyền thống từng hứng chịu không ít gạch đá từ cộng đồng khi đưa ra hướng phát triển nhân vật hay cái kết không phù hợp, ví dụ như Games of Throne, How I Met Your Mother,...
Với sức sáng tạo vô hạn từ cộng đồng, hình thức này cũng có thể sẽ giúp các tác phẩm hay dự án có thể sống mãi với thời gian và khả năng mở rộng không giới hạn, một khi dự án đã có đủ nền tảng.
Ví dụ như trong văn học truyền thống, vũ trụ Cthulhu Mythos của H.P. Lovecraft được xây dựng ban đầu với những câu chuyện của tác giả, và kể cả khi ông qua đời vào năm 1937, những câu chuyện này tiếp tục được chắp bút và sáng tạo tiếp bởi Neil Gaiman, Guillermo Del Toro, hay những tác giả khác có hứng thú với vũ trụ Lovecraftian cho đến tận ngày nay. Hoặc như tựa game sa bàn Dungeon and Dragon nổi tiếng, được phát hành lần đầu tiên từ năm 1974, DnD chỉ cung cấp hệ thống luật chơi (rules book) và để cho người chơi thỏa sức sáng tạo ra những cuộc phiêu lưu cho riêng mình, tuy nhiên trò chơi này vẫn sống tốt, sống khỏe với một lượng fan hùng hậu đến tận ngày nay.
Cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định sự thành bại của dự án. Việc tạo ra và duy trì một nhóm người ủng hộ sẽ đảm bảo được tính lâu dài cũng như sự lan truyền nhờ vào sức mạnh đám đông.
Lợi ích kinh tế
Cộng đồng mạnh là một chuyện, vậy thì dưới góc độ đầu tư, những dự án thế này thu về lợi nhuận hấp dẫn không? Câu trả lời hoàn toàn có. Những tác phẩm đã thành công và được xuất bản sẽ có tiềm năng lớn về mặt kinh tế.
Thứ nhất, về khả năng khai thác thương mại. Nghĩa là chúng ta có thể phát triển những sản phẩm khác xoay quanh nội dung câu chuyện ấy. Chẳng hạn như Harry Potter, thoạt đầu là một bộ truyện được sáng tạo bởi J. K. Rowling với số tiền bán sách hơn $7.7 tỷ ⇒ Chuyển thể thành phim và tiếp tục mang về doanh thu "cực lớn" $8.5 tỷ ⇒ Không dừng lại ở đó, đồ chơi ăn theo cùng băng đĩa cũng đem về hơn 9.3 tỷ USD. Chưa kể những sản phẩm thời trang hay vật phẩm cũng là nguồn lợi "béo bở". Như vậy từ một bộ truyện, những sản phẩm phái sinh liên quan đã giúp nhân nhiều lần số doanh thu ban đầu.
Trong thị trường NFT cũng đã có những sản phẩm được triển khai tương tự. CryptoPunk là một trường hợp điển hình với cộng đồng đông đảo, bộ sưu tập dây chuyền Tiffany thiết kế theo các nhân vật này đã ngay lập tức "sold out". Chỉ với một văn hóa được tạo dựng đã gây tiếng vang, khi kết hợp thêm một cốt truyện thì khả năng mở rộng sẽ lớn hơn nhiều.
Thứ hai, việc áp dụng NFT trong mô hình sẽ giúp nghệ sĩ cũng như nhà đầu tư nhận được phí bản quyền một cách công bằng và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, thu nhập thông qua mỗi giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng là món hời khi đầu tư.
Không chỉ thế, các ông lớn trong ngành giải trí cũng đã để ý và thực hiện những bước chuẩn bị để bước vào vũ trụ metaverse và NFT. Mới đây, Walt Disney - tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới - đăng tải thông tin tuyển dụng Luật sư đảm nhiệm mặt pháp lý mảng Metaverse và tài chính phi tập trung.
Bên cạnh đó, giám đốc điều Bob Chapek cũng chia sẻ về tham vọng và kế hoạch dài hạn của Disney trong việc áp dụng những công nghệ mới này. Với sự tham gia của các tên tuổi cộm cán, storytelling sẽ tiến đến một thế hệ mới đầy triển vọng.
Rào cản NFT Storytelling
Tuy nhiên Storytelling NFT cũng gặp những bất lợi. Cũng đến từ sức sáng tạo của cộng đồng, dự án sẽ có thể bị quá tải vì có quá nhiều ý tưởng. Và khi dự án phát triển đủ lâu, nội dung xuất hiện trong dự án đã quá nhiều, liệu dự án có thể đảm bảo được tính nhất quán và sự hấp dẫn trong đó? Hoặc đủ sức để hệ thống thông tin một cách hợp lý và thân thiện cho người mới để họ tiếp tục quá trình mở rộng dự án? Khi ngay cả những nhà xuất bản lớn như DC hay Marvel cũng đang phải đối mặt với vấn đề này và phải tái khởi động (reboot) vũ trụ truyện tranh của họ nhiều lần.
Những dự án nổi trội
Làn sóng kể chuyện này bắt nguồn từ dự án Bored and Dangerous do Jenkins The Valet khởi xướng, với sự định hướng từ 6942 thành viên trong “The Writer’s Room” và phần tiểu thuyết được chắp bút bởi Neil Strauss, tác giả từng 10 lần đạt giải New York Times Bestseller. Hiện Bored & Dangerous đang có giá sàn ở mức 0.27 ETH trên OpenSea.
Bên cạnh đó, nếu hứng thú với văn hóa truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản (manga & anime), có thể bạn sẽ quan tâm đến bộ sưu tập RENGA NFT từ Dirty Robot với 10,000 PFP (Profile Picture) NFT tượng trưng cho 10,000 nhân vật với bản sắc riêng và là một phần của hệ sinh thái câu chuyện Renga. Bộ sưu tập đã tạo nên cơn sóng thu hút ngay khi ra mắt vào 8/2022, và mức giá sàn trên OpeaSea hiện tại là 3.1ETH.
Ngoài ra, một bộ sưu tập đáng chú ý khác mang tên Eyeverse - một câu chuyện không ngừng phát triển với nhiều chương, các cuộc chiến tranh và các cuộc đảo chính thất bại cùng nhân vật chính là các vị Vua Mắt (Eye King). Dự án vẫn tiếp tục phát triển với nhiều kế hoạch thú vị sắp được tiết lộ.
We are All going to Die (WAGDIE) theo một phong cách khác với trải nghiệm trò chơi tường thuật tương tác dựa trên giả tưởng đen tối thông qua Twitter. Người chơi sẽ vào vai những nhà thám hiểm du hành khám phá một vương quốc được định hình bởi những sinh vật quyền năng, những vị thần đối nghịch và nhiều nhóm tính cách tồn tại trong đó.
Tổng kết
Tóm lại, Storytelling NFT không chỉ đơn thuần là một trào lưu sớm nở chóng tàn đối với NFT, đây sẽ là một hình thức xây dựng cộng đồng linh hoạt, có tính ứng dụng cao và cần thiết tùy thuộc vào mục đích sử dụng NFT của dự án. Và nếu được xây dựng đúng cách, Những Storytelling NFT hoặc có thể trở thành một phần quan trọng của không gian NFT và không gian Web3 nói chung, hoặc rộng hơn nữa và trở thành một phần của văn hóa đại chúng như truyện tranh, game, phim ảnh, tiểu thuyết,... trong tương lai.
Holdstation sẽ có bài phân tích các dự án trên trong thời gian sắp tới nên hãy theo dõi thường xuyên để không bỏ lỡ những điều thú vị nhé!