Layer 0 Cosmos là gì?
Mô hình các layer 1 hiện nay như Ethereum sẽ đóng vai trò là nền tảng để triển khai các ứng dụng phi tập trung và cho phép thanh toán giữa những người dùng. Doanh thu sẽ đến từ phí dịch vụ “thuê” không gian blockchain để xây dựng dApps và khoảng phí khi người dùng thực hiện các giao dịch.
Để dễ hiểu thì layer1 có thể ví như một trung tâm thương mại. Sau đó sẽ cho phép các thương hiệu, dịch vụ từ ăn uống, vui chơi giải trí, nhà sách,... thuê không gian để tiến hành kinh doanh tại đây. Nghĩa vụ của trung tâm thương mại này cung cấp dịch vụ bảo mật, cơ sở hạ tầng,...Như vậy mô hình này sẽ thiên về cục bộ hơn.
Ngược lại, một mô hình khác tập trung khai thác mối quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp - B2B - được gọi là layer0, khách hàng chính sẽ là những blockchain khác. Về bản chất, layer0 sẽ là một loại phần mềm blockchain kết nối một hệ thống máy tính nơi những blockchain máy chủ có thể triển khai dữ liệu blockchain phù hợp với nhu cầu riêng biệt cũng như tận dụng bảo mật và mạng lưới liên kết của layer0. Chẳng hạn như, một blockchain thiên về game sẽ ưu tiên tốc độ và khối lượng giao dịch, trong khi đó blockchain tài chính cần phải đề cao bảo mật, nhưng việc tách biệt hoàn toàn như vậy sẽ hạn chế khả năng khai thác hệ sinh thái tiềm năng mới của mỗi bên.
Và Cosmos sinh ra để giải quyết và đáp ứng những nhu cầu trên nên mô hình này có khả năng mở rộng đến nhiều tệp đối tượng khác nhau.
Những cải tiến đáng chú ý
Cosmos hiện vẫn tồn tại một số nhược điểm cần cải thiện.
- Thứ nhất, các giao thức xây dựng trên Cosmos được triển khai trên một blockchain độc lập nên không chia sẻ tính bảo mật lẫn nhau được.
- Thứ hai, trải nghiệm người dùng cũng chưa được tối ưu, ví dụ như người dùng cần phải sử dụng cầu nối để chuyển token khi muốn tương tác với một ứng dụng của Cosmos trên một chuỗi khác.
- Thứ ba, native token Cosmos - $ATOM hiện tại không có một tokenomic lý tưởng để tích lũy giá trị cho đồng token khi không quá nhiều ứng dụng. Được dùng để trả phí giao dịch, thế nhưng đa phần các giao dịch thực hiện trên chuỗi khác thay vì Cosmos và được thanh toán bằng token của chuỗi đó. Ngoài ra còn có chức năng quản trị nhưng thường mảng này không thu hút người dùng. Quan trọng hơn hết là nguồn cung vô hạn $ATOM gây nên tình trạng lạm phát.
Chính vì vậy, các bản cập nhật sắp tới đây của Cosmos sẽ giải quyết những việc trên, bao gồm:
- Tokenomic 2.0: Theo lộ trình phát triển, khoảng ngày 26 - 28/9 sắp tới đây đội ngũ Cosmos sẽ thông báo mô hình tokenomic mới ATOM 2.0 và điều này đã nhận được nhiều sự kỳ vọng từ nhà đầu tư với dự đoán sẽ có thêm cơ chế tích lũy giá trị dành cho $ATOM.
- Interchain Accounts - cho phép người dùng tương tác liền mạch với bất kỳ chuỗi nào được hỗ trợ IBC trên Cosmos từ tài khoản Cosmos Hub.
Nếu như trước đây, người dùng không thể thực hiện giao dịch trên Osmosis với lượng tài sản hiện đang lưu trữ tại Evmos và ngược lại nếu không có sự hỗ từ từ cầu nối. Và Interchain Account - dự kiến khởi chạy chính thức trong năm nay - sẽ đơn giản hóa quá trình phức tạp này chỉ với một thao tác.
- Interchain Queries - hỗ trợ blockchain truy xuất dữ liệu từ blockchain khác.
Ví dụ như người dùng có thể vay trên chuỗi này dựa vào dữ liệu tài sản thế chấp tại chuỗi khác.
Interchain Accounts và Interchain Queries sẽ là bộ đôi giúp blockchain được ứng dụng và tiếp cận nhiều hơn nhờ sự đơn giản hóa các tác vụ.
Công nghệ mới thay đổi cuộc chơi
Ngoài 3 sự cải tiến đang được phát triển, Interchain Security mới chính là tâm điểm nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
- Interchain Security
Một vấn đề cơ bản khác với các ứng dụng trên Cosmos rằng họ phải tự bảo mật và điều này là không thực sự cần thiết nếu như cộng đồng vẫn còn nhỏ. Mặc dù Cosmos SDK cho phép các lập trình viên tạo ra các blockchains PoS từ phần mềm nguồn mở và sử dụng IBC để kết nối chúng, nhưng mỗi blockchain vẫn cần tự bảo đảm một lượng lớn tài sản kỹ thuật số có giá trị cao. Đó là bởi vì trong mô hình bảo mật của cơ chế đồng thuận PoS, tính bảo mật của blockchain chỉ lớn bằng giá trị kinh tế các tài sản được stake để xác nhận cho chuỗi. Các chuỗi vừa hình thành trong Cosmos hiện buộc phải trả phần thưởng là các token có độ lạm phát cao cho các validator hoặc tăng xác suất bị hacker tấn công vào chuỗi của họ. Cả hai lựa chọn này đều không tối ưu và tồn tại một nhu cầu rõ ràng trong hệ sinh thái Cosmos về một bên cung cấp dịch vụ bảo mật với vốn hóa lớn.
Chính vì vậy, Interchain Security sẽ cho phép những chuỗi với quy mô nhỏ có thể "thuê" bảo mật từ Cosmos Hub. Người xác thực (Validators) Cosmos Hub có thể bảo vệ cho chuỗi khách hàng mới và đổi lấy phần thưởng staking. Người ủy quyền ($ATOM stakers) cũng nhận được một phần trong số thưởng này.
Một trường hợp ví dụ thế này. Dự án Kujira - nền tảng giao dịch xây dựng trên Cosmos - hiện đang có vốn hóa thị trường khá nhỏ, tầm khoảng $120 triệu nên chỉ cần 5 nhà xác thực trong tốp 5 đã có thể toàn quyền quyết định số phận dự án này.
Thế nhưng đối với tổng thể Cosmos Hub thì đây không phải là vấn đề bởi Cosmos Hub đang có 175 validators, với tổng cộng 193 triệu ATOM đang được stake, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD. Hacker muốn tấn công Cosmos Hub về mặt kinh tế sẽ cần phải chi nhiều hơn con số này để hack Cosmos Hub và các blockchains được lưu trữ trên đó. Như vậy, Kujira có thể thuê bảo mật từ Cosmos Hub.
Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả Kujira - tăng độ bảo mật và phi tập trung, và Cosmos Hub - nhà xác thực và ủy quyền $ATOM ($ATOM stakers) nhận thêm phần thưởng. Sau này, dự án phát triển đủ lớn thì có thể không cần thuê nữa mà trở nên hoàn toàn độc lập.
Khi Cosmos Hub phát triển, dự án sẽ trở thành xương sống của IBC bằng cách hoạt động như một phần tử bảo mật cho các dữ liệu xuyên chuỗi qua IBC và thu phí từ những hoạt động đó. Khi mới bắt đầu, Cosmos Hub sẽ hoạt động như một môi trường bảo mật kín, nơi tất cả các trình xác thực của các chuỗi được lưu trữ đều phải thông qua Cosmos Hub. Các chuỗi ban đầu tham gia Hub sẽ được duyệt thông qua bỏ phiếu sử dụng token ATOM. Sau nâng cấp Cosmos Hub, các chuỗi có thể tự do tìm kiếm bảo mật từ Hub một cách hoàn toàn mở và các validator sẽ có thể tùy chọn chuỗi để tham gia quá trình xác thực. Interchain Security dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2023 và hiện vẫn đang trong giai đoạn testnet.
Theo Van Eck, quan điểm Bullish của ATOM có thể dựa trên:
- Sức mạnh của bộ công cụ Cosmos SDK
- Tầm quan trọng mang tính cách mạng của IBC.
- Các sản phẩm của Cosmos Hub đáp ứng được sự phù hợp với thị trường.
- Sự tích lũy mạnh token.
Với sự giúp sức từ Cosmos SDK và IBC, Van Eck ước tính sẽ có hơn 5.000 blockchains Cosmos xuất hiện vào năm 2030. Hình thành một thị trường rộng lớn cho mô hình của Cosmos Hub để đảm bảo lượng khách hàng. Khi Cosmos Hub sẽ cung cấp khả năng bảo mật cao cấp hơn với mức giá phải chăng hơn hầu hết các chuỗi mới có thể tự cung cấp cho chính họ do đó nhiều chuỗi Cosmos sẽ thuê bảo mật từ Trung tâm Cosmos.
Tổng kết
Do độ tin cậy và dễ sử dụng của Cosmos SDK và khả năng tương tác do IBC cung cấp, có thể phần lớn những blockchain công khai trong tương lai sẽ được xây dựng trên Cosmos, theo đó Cosmos Hub cũng sẽ trở thành một lớp bảo mật chính cho một bộ phận đáng kể những blockchain trong hệ sinh thái Cosmos và tích lũy những giá trị tương ứng. Gần đây hệ sinh thái này cũng thể hiện dấu hiệu tích cực khi đón chào hai thành viên mới dXdY - sàn giao dịch hàng đầu thị trường - và Delphi Digital - tổ chức nghiên cứu lĩnh vục web3.0.
Như vậy, token ATOM sẽ có động lực và tiềm năng nhất định để tăng giá trong tương lai.
Đọc thêm:
Cosmos Liên Tục Mở Rộng - Tiềm Năng Đầu Tư Lớn