Trong thời gian gần đây, cụm từ "Modular Blockchain" hay "Celestia" nổi lên trong cộng đồng crypto như một cải tiến công nghệ dành cho sự phát triển thị trường DeFi. Vậy modular blockchain là gì và tiềm năng dự án đầu tiên - Celestia - triển khai kiến trúc mới như thế nào? Hãy cùng Holdstation tìm hiểu thông qua bài phân tích sau!
Celestia là gì?
Celestia là layer1 blockchain mô đun đầu tiên đảm nhận vai trò một lớp đồng thuận và và xác nhận tính khả thi của dữ liệu cho phép dễ dàng triển khai blockchain khác trên mạng lưới Celestia.
Trước khi có thể hiểu về Celestia, chúng ta cần nắm một số thuật ngữ sau. Đầu tiên, mỗi blockchain đảm nhận 3 chức năng chính bao gồm: Đồng thuận, Thực thi và Tính khả dụng của dữ liệu.
- Đồng thuận - phương thức mọi người trong mạng lưới cùng xác nhận giao dịch nào sẽ diễn ra và quy định thứ tự giao dịch.
Chẳng hạn như, Bitcoin blockchain với cơ chế đồng thuận Proof-of-work - sử dụng sức mạnh tính toán máy toán để xác thực giao dịch, hay cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake của Ethereum, BSC,... - Thực thi - quyết định giao dịch nào hợp lệ và tiến hành cập nhật trên mạng lưới.
- Tính khả dụng dữ liệu - đề cập đến khả năng dữ liệu giao dịch được cung cấp cho các node tải về để mọi người có thể xác định trên blockchain.
Hầu hết các blockchain hiện nay như Ethereum, BSC, Sui, Aptos,... đều được xây dựng theo kiến trúc nguyên khối (monolithic architecture) nghĩa là các chức năng cốt lõi được đề cập bên trên đều thực hiện cùng một lúc và triển khai bởi cùng một nhóm nhà xác thực. Điều này hạn chế khả năng mở rộng bởi tất cả nút mạng phải chứa đựng đầy đủ dữ liệu và xác nhận từng giao dịch.
Bên cạnh đó, như hình mô tả trên, blockchain bị ràng buộc với một môi trường thực thi duy nhất (ngôn ngữ lập trình, khả năng fork, văn hóa cộng đồng,...). Ví dụ như Dapps xây dựng trên Ethereum cần tuân thủ những quy tắc xác định trước hệ EVM - ngôn ngữ Solidity, ưu tiên bảo mật,... Từ đó giới hạn đội ngũ phát triển có thể tối ưu hóa phù hợp nhu cầu sử dụng cho nền tảng của mình (chẳng hạn game sẽ cần tốc độ xử lý cao hơn thay vì bảo mật mạnh).
Đó cũng là lý do thị trường hướng đến tương lai multichains. Ethereum kế hoạch thực hiện việc này thông qua Rollups - hưởng bảo mật từ Ethereum nhưng ít linh hoạt hơn. Cosmos cũng tham gia bằng cách tạo một hệ sinh thái Layer1 tương thích với nhau - rẻ và linh hoạt hơn rollups nhưng độ bảo mật không bằng.
Đối với mô hình mô đun (modular blockchain), blockchain sẽ tách rời sự đồng thuận và việc thực hiện các giao dịch. Nghĩa là một blockchain đảm nhận quá trình thực thi và blockchain khác sẽ chịu trách nhiệm cho đồng thuận.
Như vậy, Celestia blockchain đảm nhận vai trò đồng thuận theo cơ chế PoS. Thay vì phải xác nhận từng giao dịch diễn ra, Celestia chỉ cần đọc dữ liệu thô và đảm bảo thông tin sẵn sàng để triển khai.
Lớp thực thi sẽ được thực hiện bởi blockchain xây dựng trên Celestia. Từ đó các blockchain này có thể tự do chuyên môn hóa mà không phải cứng nhắc theo bộ quy tắc chung.
Nếu như Polkadot cũng cho phép blockchain khác xây dựng bên trên nhưng giao dịch vẫn phải gửi về chuỗi chính để giải quyết. Trong khi đó, đối với Celestia, các giao dịch sẽ được thực hiện trực tiếp trên blockchain (lớp thực thi) và áp dụng công nghệ rollup để thu thập tất cả dữ liệu từ nhiều giao dịch vào một giao dịch duy nhất gửi về Celestia Blockchain.
⇒ Celestia như sự kết hợp giữa các khu vực (zones) tương thích của Cosmos với trung tâm bảo mật chung công nghệ Rollups Ethereum ⇒ linh hoạt và đảm bảo bảo mật.
Data Availability Sampling (Mẫu dữ liệu khả dụng)
Cơ chế mới tối ưu quá trình xác nhận dữ liệu là một trong những điểm nổi bật của Celestia. Nếu như theo hướng truyền thống phải tải xuống toàn bộ dữ liệu trong một khối sẽ đồng nghĩa với việc khi thông tin nhiều sẽ cần sử dụng nguồn tài nguyên mạnh hơn (kho lưu trữ lớn, bộ cứng nâng cao,...) cũng như dẫn đến thời gian lâu và gây tắc nghẽn ⇒ giảm khả năng mở rộng.
Để giải quyến vấn đề này, Celestia phát triển mô hình Mẫu dữ liệu khả dụng. Thay vì tải toàn bộ dữ liệu giao dịch của một khối, Celestia cho phép chỉ lấy một mẫu nhỏ dữ liệu ngẫu nhiên và sẽ mặc định rằng toàn bộ thông tin đã sẵn sàng.
Để dễ hình dung thì ví dụ thông tin cần xác thực gồm một dãy số từ 1 đến 100 (1, 2, 3, 4, 5,..., 99, 100). Phương thức truyền thống bạn cần thu thập đầy đủ 100 số mới được xem là đạt điều kiện, nhưng với Celestia, chỉ cần một mẫu nhỏ đại diện ví dụ như 4 số (5, 6, 7, 8) thì xem như các con số còn lại cũng đã sẵn sàng và đầy đủ.
Nhờ áp dụng cơ chế này, bạn thậm chí có thể chạy node chỉ với chiếc điện thoại của mình thay vì đòi hỏi một bộ máy tính khủng ⇒ tăng số lượng người có thể xác thực nên phi tập trung hơn và mở rộng dễ dàng.
Token
Dự án xác nhận sẽ phát hành token và chức năng có thể gồm: Staking, ủy quyền, phần thưởng lạm phát và thanh toán cho việc tải dữ liệu lên blockchain.
Celestia cũng lên kế hoạch thực hiện cơ chế đốt tương tự như EIP-1559 nhằm mang lại giảm phát cho token.
Hệ sinh thái
Các blockchain từ bất kỳ mạng lưới nào (EVM, SVM,...) cũng có thể triển khai hoặc sử dụng Celestia để có sẵn dữ liệu và sự đồng thuận để khai thác tính năng bảo mật.
Hiện tại đang có 4 blockchain xây dựng trên Celestia
- Cevmos - layer EVM rollup đồng phát triển bởi Cosmos EVM và Celestia.
- Fuel - tương tự như Celestia nhưng với vai trò lớp thực thi mô-đun. Fuel xây dựng một máy ảo hoàn toàn mới - FuelVM với chuỗi công cụ và ngôn ngữ lập trình Sway.
- dYmension - sovereign rollup (một blockchain độc lập) hướng đến đơn giản hóa việc phát triển rollApp (ứng dụng được thiết kế tập trung vào rollup) thông qua dYmension Chain.
- Eclipse - sovereign rollup (một blockchain độc lập) tối ưu layer rollup Solana VMs.
Lộ trình phát triển
Hiện tại dự án vẫn còn đang trong giai đoạn testnet và dự kiến triển khai mainnet vào năm 2023. Đặc biệt, theo roadmap, năm sau Celestia triển khai Incentivized Testnet - đây thường là chiến dịch khuyến khích mọi người trải nghiệm testnet và nhận airdrop (chẳng hạn như Aptos từng tổ chức 3 Incentivized testnet và airdrop "khủng" cho người tham gia).
Hướng Dẫn Trải Nghiệm Testnet Cơ Hội Nhận Airdrop Từ Celestia - Modular Blockchain Đầu Tiên TẠI ĐÂY
Đội ngũ phát triển
Đội ngũ dự án nhiều năm kinh nghiệm trong xây dựng và mở rộng blockchain đến từ các dự án như Ethereum, Cosmos và Harmony.
Ngoài ra, các cố vấn dự án cũng gồm một số tên tuổi nổi bật như Ethan Buchman - nhà đồng sáng lập Cosmos, hoặc chuyên môn sâu đến từ Ethereum, Cosmos, Diem và Interchain Foundation (nhiều khả năng Cosmos và Celestia có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ).
Nhà đầu tư
Celestia nhận được sự đầu tư từ những tổ chức quỹ lớn trong thị trường thông qua các vòng:
- Vòng chiến lược 2021 ($1.5 triệu): Binance Labs, Interchain Foundation,...
- Vòng Series A và Series B 2022 ($55 triệu): Bain Capital Crypto, Polychain Capital, Placeholder, Galaxy, Delphi Digital, Blockchain Capital, Spartan Group, Jump Crypto,... và một số nhà đầu tư thiên thần khác.
Tổng kết
Đội ngũ chuyên môn tốt và được đầu tư bởi nhiều quỹ lớn cùng với công nghệ mới khắc phục khả năng mở rộng và bảo mật, Celestia sẽ là đối thủ cạnh tranh tốt đối với nhiều hệ sinh thái khác như Ethereum - Darksharding hay Polygon - Avail.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Các thông tin, tuyên bố và dự đoán trong bài viết này, bao gồm cả các ý kiến đã thể hiện, được dựa trên các nguồn thông tin mà Holdstation cho là đáng tin cậy. Các ý kiến thể hiện trong bài viết này là ý kiến cá nhân được đưa ra sau khi xem xét kỹ càng và cẩn thận dựa trên những thông tin tốt nhất chúng tôi có tại thời điểm viết bài. Bài viết này không và không nên được giải thích như một lời đề nghị hay lôi kéo mua/ bán bất cứ token/NFT nào.
Holdstation không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp phát sinh từ việc sử dụng nội dung bài viết này.